HÃY MỞ RA”

(Bài Suy Niệm Lời Chúa - Chúa Nhật 23 Mùa Thường Niên Năm B)


Dưới góc nhìn của các nhà kinh tế chính trị thì có vẻ như chúng ta đang sống trong một thế giới văn minh và hiện đại với rất nhiều những cơ hội được mở ra cho nhân loại. Tuy nhiên, trong thông điệp Fratelli Tutti về tình huynh đệ và bằng hữu xã hội được Đức Thánh Cha Phanxicô ký vào ngày 03/10/2020 tại Assisi, khi mà bối cảnh của đại dịch Covid-19 đang hoành hành và cướp đi sinh mạng của rất nhiều người và đẩy thế giới vào một cuộc khủng hoảng  và sợ hãi, thì ngài đã bày tỏ sự lo ngại về “bóng tối của một thế giới khép kín” và “văn hóa xây tường” của xã hội hôm nay. Với sự leo thang của chủ nghĩa cá nhân, duy vật và hưởng thụ thì con người chúng ta, có vẻ như đang “kín cổng, cao tường” và giả câm, giả điếc để gặm nhấm sự giàu có và của cải bản thân mà ngoảnh mặt thờ ơ với đồng loại của mình đang quằn quại, đau khổ vì đói nghèo, dịch bệnh, chiến tranh, bạo lực và những tệ nạn, bất công xã hội.

          Vì một thế giới tốt đẹp hơn, Đức Thánh Cha kêu gọi chúng ta hãy “kiến tạo một thế giới mở” và mỗi người hãy mang lấy “một trái tim mở ra cho toàn thế giới”. Là vị cha chung của Giáo hội, ngài cũng luôn mong muốn có một Giáo hội “đi ra” đến với những vùng “ngoại biên” là những nơi xa xôi nhất để chúng ta có thể nhìn thấy và nghe thấy những mảnh đời đang bị thế giới “thải bỏ” và để nhận ra hình ảnh của Thiên Chúa nơi những người bé nhỏ.

          Thiên Chúa là nền tảng để chúng ta “mở ra”. Ngài đã được ngôn sứ I-sai-a giới thiệu là Đấng sẽ đến để giải phóng dân của Ngài khỏi những áp bức đau khổ và bách hại bất công. Thiên Chúa sẽ cho kẻ què đi được, kẻ điếc nghe được, kẻ câm nói được, kẻ mù thấy được và trao tự do cho những người lao tù khốn khổ. Những lời tiên tri ấy đã được hiện thực hóa qua chính Đức Giêsu Kitô, Đấng đã phá bỏ bức tường ngăn cách, mở cửa nước trời để đến yêu thương và cứu chuộc nhân loại. Cách cụ thể, tại biển hồ Ga-li-lê, Chúa Giêsu đã chữa lành cho một anh thanh niên bị điếc và ngọng khi Ngài “ngước mắt lên trời, thở dài và nói : Ép-pha-tha, nghĩa là : hãy mở ra!”.

          Một người bị điếc bẩm sinh thì chắc chắn sẽ bị câm. Anh thanh niên chỉ bị ngọng nghĩa là anh ta không phải là người điếc bẩm sinh. Nhưng có lẽ do bối cảnh xã hội kìm kẹp hoặc do tội lỗi của chính bản thân đã khiến cho anh trở nên điếc và khó khăn, ngại ngần để cất lên tiếng nói của mình. Tiếng thở dài của Chúa Giêsu như thể nhìn rõ và thấu hiểu tâm can và căn bệnh của anh ta và Ngài đã mời gọi anh ta “hãy mở ra” để rồi từ đó anh ta đã cất lên tiếng nói và cùng với đám đông dân chúng mà ca ngợi Thiên Chúa.

          “Hãy mở ra” để thấy Thiên Chúa nơi những người bị “thải bỏ”. Đó chính là thông điệp mà thánh Gia-cô-bê tông đồ muốn gửi đến chúng ta. Thánh nhân mời gọi chúng ta đừng sống văn hóa “thải bỏ” mà thiên tư trong cách ứng xử giữa người giàu và người nghèo. Ngài chất vấn mỗi người chúng ta về cách ứng xử khi đưa ra tình huống có một người giàu và một người nghèo đến thăm chúng ta thì chúng ta sẽ chào đón họ như thế nào?

          Nào Thiên Chúa đã chẳng chọn những kẻ nghèo khó, để họ thừa hưởng vương quốc Người hay sao?” đó vừa là câu hỏi những cũng hàm ý câu trả lời của tác giả bài đọc thứ II. Thiên Chúa luôn rộng mở trái tim và vương quốc của Ngài cho những người bé mọn.

          Sống trong một thế giới với  văn hóa thải bỏ” thì có lẽ nhiều người trong chúng ta sẽ “thấy người sang bắt quàng làm họ” mà đon đả đón tiếp. Chúng ta sẽ dễ dàng “mở ra” với những người giàu có đem lại cho chúng ta lợi ích nhưng lại “khép kín” với những người nghèo khổ, bé mọn và bần cùng. Chúng ta chẳng khác gì những người đui mù, câm điếc ... bịt tai trước những tiếng kêu la thảm thiết và ngoảnh mặt với những mảnh đời bất hạnh ... có mắt mà không thấy, có tai mà chẳng nghe, có miệng mà như câm. Những điều đó khiến cho Thiên Chúa “thở dài”.

          Hãy mở ra” không chỉ là một lời mời gọi khẩn khoản nhưng còn là sự thôi thúc chúng ta hành động trong xã hội có nguy cơ “khép kín” hôm nay.

Lạy Chúa , xin hãy mở mắt con ra để con thấy Chúa nơi những người bé mọn đang bị “thải bỏ” như chính Ngài đã bị “thải bỏ” mà chết trần trụi trên thập giá; xin hãy mở tai con ra để con nghe thấy tiếng Chúa kêu “ta khát” qua những ai đang đói khát bần cùng; xin hãy mở miệng con ra để con dũng cảm lên tiếng cho những ai đang bị bách hại bất công; xin hãy mở rộng trái tim con ra để con biết yêu thương tha nhân như chính Chúa đã yêu con và chết vì con.

                                                                              Lm. Jos Nguyễn Huy